Phong cách tối giản Minimalism trong thiết kế được biết đến như tinh hoa của nghệ thuật thị giác. Bởi vậy, không ít người ưa chuộng kiểu phong cách này và áp dụng vào thiết kế nội thất nhà ở. Sự trống trải đầy tinh tế chính là điểm thu hút đặc biệt của lối thiết kế tối giản. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ về kiểu design đến từ phương Tây này. Hôm nay, hãy cùng Floordi tìm hiểu về phong cách Minimalism và ứng dụng của nó trong các công trình thực tế tại Việt Nam như thế nào!
Phong cách nội thất Minimalism tối giản nhưng vô cùng tinh gọn.
Phong cách nội thất tối giản Minimalism là gì?
Minimalism nghĩa là tối giản, tinh gọn. Khởi nguồn của phong cách thiết kế này là từ những công trình đơn giản, tinh tế thiên về sử dụng đường thẳng, đường vuông góc của kiến trúc sư người Đức có tên Ludwig Mies van der Rohe. Người ta nhìn thấy trong những công trình của ông mang một nét thu hút đặc biệt. Ở đó, không gian chính là thứ làm nên cảm xúc chứ không phải đồ đạc hay trang trí. Chính từ sự cô đọng về nghệ thuật thị giác mà lối thiết kế này bắt đầu trở nên thịnh hành và thu hút được nhiều người quan tâm.
Kiến trúc tối giản Minimalism với nét đặc trưng rõ nét là ít đồ nội thất, hạn chế trang trí.
Ứng dụng vào thiết kế, bạn sẽ nhận thấy những ngôi nhà mang phong cách tối giản sẽ có nét đặc trưng rõ nét là đồ nội thất rất ít, hạn chế chi tiết trang trí, đường nét gọn gàng. Điểm nhấn của không gian sẽ là các hình khối, màu sắc, vật liệu và ánh sáng.
Tại sao Minimalism phù hợp với những người yêu thích sự tự do?
Minimalism với vẻ đẹp tối giản sẽ đem lại không gian thoáng đãng cho ngôi nhà. Không gò bó, không rườm rà. Tại đó, con người có nhiều không gian hơn cho bản thân, rũ bỏ những nặng nề bên ngoài cánh cửa. Sự đơn giản đem đến cho con người cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, khiến tâm hồn được thả lỏng. Chính vì vậy, mà nhiều người yêu sự tự do rất chuộng phong cách này trong thiết kế nhà ở.
Minimalism sở hữu không gian không gò bó phù hợp với những người yêu thích sự tự do.
Họ có thể sống với đúng cái tôi của mình trong một không gian không gò bó. Sự trống trải đầy tinh tế đem lại cảm giác phóng khoáng lẫn hơi thở hiện đại của cuộc sống. Ngày nay, với sự xô bồ của cuộc sống, tuân thủ nhiều khuôn khổ khiến con người có xu hướng tìm sự tự do trong chính không gian riêng tư của mình. Đây cũng là một phần lý do khiến phong cách tối giản trong nội thất được đón nhận và đang dần phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.
Những nguyên tắc tạo nên phong cách tối giản Minimalism
Thực tế, rất nhiều người có thể bị nhầm lẫn giữa phong cách Minimalism trong nội thất với phong cách Scandinavian vì đều hướng tới sự tối giản trong thiết kế. Tuy nhiên, hai phong cách này không phải là một và đều có những điểm riêng biệt khác nhau. Phong cách nội thất Minimalist có những nguyên tắc riêng để tạo nên một không gian tối giản nhưng không trống trải.
Sắp xếp bố cục “Less is more - Ít là nhiều”
Đây là nguyên tắc xương sống mà Ludwig Mies van der Rohe đã đề ra khi sáng tạo ra kiểu kiến trúc tối giản. Bố cục xuyên suốt và giản lược tối đa các chi tiết chính là yếu tố cốt lõi tạo nên một không gian mang đậm hơi thở tự do, phóng khoáng. Đồ nội thất trong căn phòng sẽ được giản lược tối đa để có thể tạo ra không gian trống cho căn phòng. Những đồ nội thất thường chú trọng vào công năng hoặc tích hợp nhiều công năng trong cùng một sản phẩm. Điều này vừa biến không gian trở nên rộng mở vừa khiến cuộc sống trở nên thông minh, tiện ích hơn.
Hạn chế màu sắc trong thiết kế
Màu sắc có ảnh hưởng không nhỏ đến sự thoáng đãng của không gian. Với phong cách Minimalist, việc sử dụng màu sắc chỉ nên gói gọn trong 3 màu: một màu chủ đạo, một màu làm nền và một màu làm điểm nhấn. Thông thường, màu trắng hoặc các màu sáng sẽ được dùng làm màu chủ đạo để tạo nên cảm giác thoáng đãng, rộng rãi cho không gian. Các màu trung tính như xám, ghi sẽ được dùng làm màu nền vì chúng có thể kết hợp với bất kỳ màu sắc nào khác. Nếu như trong các phong cách thiết kế khác, quy luật màu tương đồng luôn được ưu tiên thì trong phong cách nội thất tối giản, quy luật sử dụng màu sắc tương phản lại được sử dụng triệt để. Sự tương phản giữa các gam màu sáng - tối sẽ đem đến sự cô đọng cho không gian tạo nên sự tinh tế đầy cuốn hút.
Lựa chọn Minimalism bạn chỉ nên sử dụng tối đa 3 màu sắc trong thiết kế không gian.
Tận dụng ánh sáng làm nội thất
Ánh sáng luôn là yếu tố đắt giá trong thiết kế. Bên cạnh đó, phong cách tối giản trong nội thất lại hạn chế tối đa màu sắc. Do vậy, ánh sáng chính là một thành phần chủ đạo để trang trí trong lối kiến trúc này. Việc sử dụng ánh sáng một cách thông minh và tinh tế sẽ đem lại hiệu ứng mạnh mẽ về thị giác. Ánh sáng có thể tạo hiệu ứng bóng đổ cho đồ nội thất, làm tôn lên hình khối và vật thể trong căn phòng tạo điểm nhấn ấn tượng, làm bớt sự đơn điệu tẻ nhạt cho không gian. Việc tận dụng ánh sáng có thể được sử dụng khéo léo qua những ô cửa, vách kính, mái, hệ thống rèm hay thậm chí cả những tán cây đều được các kiến trúc sư sáng tạo tối đa để đem lại hiệu quả độc đáo nhất.
Sử dụng đồ nội thất tinh giản nhưng hiện đại
Nguyên tắc Less is more được ứng dụng triệt để trong thiết kế Minimalism. Chính vì vậy, đồ nội thất sử dụng trong một ngôi nhà phong cách tối giản cũng được giản lược tối đa. Chỉ sử dụng những đồ cần thiết. Ưu tiên sử dụng các đồ nội thất thông minh, tích hợp nhiều tính năng để tiết kiệm không gian. Đem lại cảm giác rộng rãi thoáng mát cho ngôi nhà. Những đồ nội thất được sử dụng thường mang hơi hướng Châu Âu thiết kế đơn giản, đường nét hiện đại khỏe khoắn. Hãy ưu tiên những đồ có dạng hình khối thay vì họa tiết cầu kỳ để đem lại cảm giác gọn gàng, ngăn nắp sẽ làm tăng hiệu ứng rộng rãi, tự do cho căn phòng.
Cách chọn màu sàn gỗ cho không gian thiết kế Minimalism
Những vật liệu hiện đại, có vẻ đẹp tinh tế như sàn gỗ rất được ưa chuộng trong thiết kế nội thất tối giản. Yêu cầu của lối thiết kế này đó là đem lại không gian thoáng đãng tối đa nhất cho căn phòng. Do vậy, sàn gỗ kiểu xương cá hoặc phá cách sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc. Các đường xiên chéo của sàn xương cá hoặc pha trộn màu sàn cách điệu sẽ giúp tạo hiệu ứng nới không gian, giúp căn phòng có cảm giác thông thoáng, rộng rãi hơn. Đặc biệt là khi thiết kế các căn phòng nhỏ.
Lựa chọn sàn gỗ cách điệu rất phù hợp cho lối thiết kế không gian theo phong cách Minimalism.
Chọn sàn gỗ cho phong cách thiết kế Minimalism, bạn cũng nên lưu ý đến màu sắc của ván sàn. Ưu tiên chọn các loại sàn có màu sáng để giúp không gian đạt được mục đích về hiệu ứng diện tích. Hoặc chọn các màu tối đối lập rõ rệt, tạo điểm nhấn tinh tế cho tổng thể bố cục căn phòng. Những màu sắc được gợi ý thường là màu trắng của gỗ Thông, trắng ngà của Sồi, nâu chocolate của Óc Chó, đen đậm của Sồi Mỹ,... Vừa đáp ứng được yêu cầu phối hợp thiết kế tổng thể vừa sở hữu vẻ đẹp sang trọng, đẳng cấp.
Ứng dụng phong cách Minimalism trong kiến trúc ở việt nam
Bắt nguồn từ Châu Âu nhưng đến nay, phong cách tối giản trong thiết kế đã lan rộng ra nhiều nước và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều công trình từ nhỏ đến lớn. Bạn có thể bắt gặp lối kiến trúc này ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Châu Á, Nhật Bản được coi là bậc thầy của nghệ thuật sắp xếp không gian tối giản. Tại Việt Nam, dù còn khá mới mẻ nhưng rất nhiều ngôi nhà đã ứng dụng phong cách này vào thiết kế.
Nội thất tối giản cho nhà phố
Phong cách thiết kế tối giản đang trở thành xu hướng thiết kế đương đại cho những căn nhà phố. Dường như càng hiện đại, con người càng sống giản lược và hướng tới sự tiện nghi. Do vậy, style Minimalism trở thành lựa chọn hàng đầu cho thiết kế cho những ngôi nhà trên phố nhộn nhịp, đông đúc.
Nội thất tối giản cho chung cư hiện đại
Đối với những căn chung cư, diện tích luôn là vấn đề chung của nhiều gia đình. Để tận dụng được tối đa không gian sống, phong cách nội thất tối giản chính là giải pháp phù hợp cho chung cư hiện đại. Bạn có thể thiết kế không gian trở nên rộng rãi thoáng đãng hơn bằng cách tạo không gian mở giữa phòng khách và phòng bếp, hạn chế sử dụng các bức vách ngăn cách. Hoặc nếu cần thiết, hãy dùng các bức vách bằng kính trong suốt để đảm bảo tầm nhìn không bị hạn chế.
Sử dụng đồ nội thất tối giản cho chung cư hiện đại theo phong cách Minimalism.
Nội thất tối giản cho nhà nhỏ
Với một đất nước có dân số khá đông hơn 90 triệu dân, trong khi quỹ đất có hạn. Những ngôi nhà ở Việt Nam đa số thiết kế theo kiểu nhà nhỏ. Với không gian sống có hạn, lối thiết kế tối giản sẽ là lựa chọn thông minh nhất cho những ngôi nhà nhỏ xinh. Hãy chọn những đồ nội thất gọn gàng và lược bỏ những đồ không cần thiết. Chọn gam màu sáng làm chủ đạo cho nhà ở để tăng hiệu ứng rộng rãi cho ngôi nhà. Đừng quên các cửa sổ bằng kính, cửa kính càng lớn càng đón được nhiều ánh sáng sẽ giúp ngôi nhà thêm phần thoáng đãng.
Nội thất tối giản trong thiết kế văn phòng
Phong cách Minimalism không chỉ được ứng dụng trong thiết kế nhà ở. Kiểu kiến trúc này còn được ứng dụng cho văn phòng công sở. Với đặc trưng tập trung nhiều người cùng làm việc. Đôi khi, chúng ta sẽ cảm thấy bị gò bó trong một không gian nhỏ bé, triệt tiêu tính sáng tạo trong công việc. Do vậy, kiểu thiết kế tối giản được khá nhiều văn phòng áp dụng nhằm tạo ra nhiều không gian trống. Sự sắp đặt thông minh tiện nghi đem lại cảm giác tự do, thoải mái cho người dùng.
Với lối kiến trúc Minimalism cho thiết kế văn phòng thường lựa chọn đồ nội thất tối giản.
Cách giúp ngôi nhà trở nên tối giản nhưng không trống trải
Bên cạnh việc tuân thủ những nguyên tắc trên, bạn cũng nên chú ý đến những điểm sau để biến ngôi nhà phong cách Minimalism tinh gọn nhưng sẽ không trống trải.
Đảm bảo thiết kế có sự cân bằng
Khi lên ý tưởng thiết kế cho tổng thể căn nhà, hãy chắc chắn rằng không gian của bạn đảm bảo được sự cân bằng. Dàn trải các đồ nội thất đồng đều và sắp xếp thông minh sẽ tạo ra sự hài hòa cho căn phòng. Chúng ta cần khoảng trống trong Minimalism Style nhưng phải tinh tế để không biến ngôi nhà trở nên trống trải, cục bộ.
Tạo điểm nhấn chính cho không gian
Đừng quên điểm nhấn cho căn phòng. Một chiếc ghế sofa nổi bật, một bức tranh lớn treo tường, một chiếc piano đặt chính giữa căn phòng,... đều có thể là điểm nhấn thu hút sự chú ý của người nhìn. Căn phòng có đôi phần đơn điệu từ những gam màu kinh điển đen - trắng được nhấn nhá thêm một chút sắc màu khác biệt sẽ trở nên độc đáo, có sức sống hơn.
Một chiếc sofa và một bức tranh treo tường sẽ tạo điểm nhấn chính cho không gian tối giản.
Sắp xếp các vật dụng lại gần nhau
Hãy sắp xếp những đồ dùng tương đồng về màu sắc hoặc hình dạng lại gần nhau, vừa có thể khiến không gian trở nên gọn gàng vừa tạo ra bố cục hài hòa, hợp lý. Phân chia rõ ràng đồ nội thất thành từng khu vực sẽ giúp ánh sáng len lỏi được vào căn nhà tốt hơn.
Chọn các đồ dùng đa năng cho căn phòng Less is more
Hãy liệt kê những đồ vật thiết yếu cho một ngôi nhà, loại bỏ những thứ không cần thiết và mua sắm theo đúng danh sách đó. Ưu tiên chọn những vật dụng đa năng, tích hợp nhiều lợi ích sẽ khiến không gian của bạn tối giản nhất có thể. Một chiếc giường kết hợp ngăn tủ đựng đồ dưới gầm, hoặc bậc tam cấp tận dụng làm chổ ngồi,… sẽ là ý kiến hay khi bớt được một chiếc tủ quần áo cho phòng ngủ. Một chiếc sofa gấp gọn hiện đại nhưng lại có thể biến thành chiếc giường nghỉ ngơi cho những vị khách ghé thăm,... Cuộc sống của bạn sẽ trở nên thông minh và tiện lợi hơn rất nhiều.
Tận dụng mặt bậc làm chổ ngồi thư giản là ý tưởng hay cho lối kiến trúc Minimalism.
Giữ căn phòng luôn sạch sẽ và gọn gàng
Lời khuyên về sự sạch sẽ và gọn gàng không chỉ được áp dụng cho phong cách tối giản. Dù với bất kỳ kiểu thiết kế nào, sạch sẽ ngăn nắp luôn đem lại hiệu quả cho sự thoải mái, rộng rãi. Chắc hẳn không ai thích một căn phòng bừa bộn và bụi bẩn xuất hiện ở mọi nơi đúng không? Vậy thì hãy nhớ dọn dẹp thường xuyên và sắp xếp đồ đạc ngăn nắp khi không sử dụng, để ngôi nhà lúc nào cũng trong trạng thái gọn gàng.
Đối với cuộc sống hiện đại, con người luôn hướng đến sự tiện nghi, đơn giản và đề cao sự tự do cá nhân. Phong cách thiết kế Minimalism chính là chìa khóa mở ra cho bạn đến với không gian hiện đại, thoáng đãng và tự do. Chắc chắn lối thiết kế này sẽ đem đến một làn gió mới, nguồn năng lượng tích cực đến cho ngôi nhà và gia đình của bạn. Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên, bạn sẽ có cảm hứng mới cho ngôi nhà của mình!
Nguồn Đăng : Sàn gỗ Floordi https://www.floordi.com/phong-cach-toi-gian-minimalism/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét